
Trước khi đề cập tới nội dung Tĩnh Lặng, chúng ta cùng đi qua hai khái niệm TÂM và TĨNH.
1. HẠNH PHÚC
Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm một cái gọi là hạnh phúc, trong khi đó thế giới quanh ta đầy màu nhiệm. Hạnh phúc là điều được mọi người nhắc tới hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là hàng phút, nhưng thực ra có ai trả lời được câu hỏi Hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc có phải là khi con người nở một nụ cười hay không?
Bạn sẽ có một câu trả lời có thể khác và có thể giống tôi cho những câu hỏi trên, nhưng đa phần chúng ta đều phải cất nhắc rồi mới đưa ra câu trả lời theo nhiều ý. Điều đó cho thấy là ít người có thể chắc chắn rằng ý niệm về sự hạnh phúc của họ. Có lúc họ cười, nhưng ẩn sau nụ cười đó thì không nhiều người hiểu. Đó là lí do mà con người chạy đi tìm hạnh phúc. Nhưng làm sao họ có thể tìm thấy khi không thể rõ, điều họ tìm là gì. Thứ duy nhất chúng ta mất, đó là thời gian.
Tĩnh Lặng nhắc về hạnh phúc, là ngay ở thời điểm HIỆN TẠI, CHỈ DUY NHẤT HIỆN TẠI. Những cảm xúc của bạn ở hiện tại là hạnh phúc, buồn cũng là một dạng hạnh phúc. Những tiếng chim kêu mà bạn nghe được khi đang ở một khu vườn, không phải ai cũng nghe được nó. Điều kiện cần để được sống trong giây phút của hiện tại, đó là tự tâm chúng ta nên tĩnh lặng, đủ để nghe thấy mình là ai.
Nếu tự tâm chúng ta, đầy rẫy những sự ồn ào náo loạn rồi, thì làm sao chúng ta có thể nghe được bất cứ gì nữa. Cũng giống như trong công việc, học tập yêu cầu chúng ta cần tập trung ở giây phút đó, nhưng thân tâm ta lại đang cố gắng giải quyết để có thời gian đi chơi, hoặc nghĩ về những thứ khác, thì chúng ta dễ mắc nhiều lỗi lầm. Bởi vậy, chúng ta học được rằng, mỗi khi đứng trước một vấn đề thì vấn đề đầu tiên nằm ở tự tâm. Chúng ta nên tập luyện để nghe được đâu là tiếng nói của chính bản thân mình, và đâu là sự huyên náo bên ngoài.
Khi đã đủ lắng nghe, thì bản thân ta sẽ không còn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Hạnh phúc là gì?
Mà chúng ta sẵn sàng nhìn nhận rằng, mình chưa từng nghĩ về câu hỏi này thực sự nghiêm túc trước đó, còn về sau này khi đã nghĩ về nó, tự tâm ta sẽ cho ra ngay đáp số mà không cần phải tốn nhiều thời gian tìm kiếm.
2. CHÁNH NIỆM
Mỗi ngày, chúng ta gặp rất nhiều người, rất nhiều những câu chuyện thú vị có, thi vị có, và man mác cũng có. Không ai trách những câu chuyện đó xảy ra ngoài kia vì chúng ta coi đó là chuyện bình thường. Nhưng chúng ta lại dễ dàng bị ảnh hưởng bởi chúng.
Chúng ta dễ nổi nóng chỉ vì người khác mắng nhiếc mình, lôi những chuyện không có mà thành có, để bàn tán. Khi ấy, trái tim ta lên tiếng nhưng tâm ta chưa đủ vững để nghe được tiếng gọi đó, chúng ta để những tiếng ồn bên ngoài lấn át.
Khi những câu chuyện đã qua đi, chúng ta mới ngẫm ra rằng thực sự mình cũng KHÔNG NÊN NHƯ THẾ. Có những khi, bản thân ta còn nghĩ về hai từ giá như… Lúc đó, chúng ta cần Chánh niệm, sự thực tập làm cho những tiếng ồn trong mình yên lắng lại.
Nếu không có Chánh niệm, chúng ta có thể bị nhiều thứ lôi kéo. Chúng ta dễ xuống cảm xúc vì những tiếc nuối, buồn phiền trong quá khứ. Ta hồi tưởng lại những ký ức, những kỷ niệm đã trải qua, để khổ đi khổ lại, để đau đi đau lại những niềm đau mà ta đã đi qua. Không phủ nhận những từng trải trong quá khứ, nhưng cũng không nên để nó lấn lướt thực tại, rằng chúng ta đã có bài học, đã khôn khéo hơn. Chánh niệm giúp chúng ta TÌM ĐƯỢC ĐÂU LÀ CHÍNH MÌNH, MÌNH CẦN PHẢI LÀM GÌ ở hiện tại thay vì suy nghĩ về quá khứ. KIỂM SOÁT ĐƯỢC NHỮNG CẢM XÚC từ quá khứ, giúp ta vượt ra khỏi những giới hạn của hiện tại và xa hơn nữa.
Mặt khác, nhiều người trong số chúng ta cũng sẽ bị hấp dẫn bởi tương lai, không nhiều người dám nhìn về hiện tại. Chúng ta lo lắng và sợ hãi về một điều gì đó chưa xảy ra hoặc sắp xảy ra để rồi bấn loạn trước giây phút hiện tại, lúc mà chúng ta cần là chính mình. Hoặc nếu không lo lắng, ta lại trông chờ một điều gì đó hào hứng hơn, một điều gì đó tới và thay đổi cuộc sống của ta, vì hiện tại ta quá chán nản, không có gì đặc biệt. Ta cần Chánh niệm, để KHÔNG BỊ KÉO ĐI bởi những tiếng ồn xung quanh, và những TIẾNG ỒN TRONG TỰ TÂM.
Chánh niệm, như là một lời nhắc nhở chúng ta DỪNG LẠI, và IM LẶNG LẮNG NGHE giữa huyên náo, vội vã. Thực tế, trong thời đại đang hội nhập này, không phải lúc nào ta cũng im lặng. Nhưng nếu ta biết nên im lặng lúc nào, thì ta sẽ khai thác được những khía cạnh tốt nhất của bản thân, của sự Chánh niệm. Lúc ta THỰC SỰ TĨNH là lúc tự tâm ta đang ở CẢNH GIỚI CAO NHẤT CỦA SỰ TẬP TRUNG.
Chúng ta suy nghĩ về sự tĩnh lặng, là việc giữ cho tâm thế của bản thân BÌNH THẢN trước những vấn đề của thời cuộc. Chúng ta sẽ có ý niệm về Chánh niệm và ý thức được thực tại là cần tới bình an nội tâm. Quả thực, nếu gặp người BÌNH TÂM NHƯ NƯỚC trước những điều càng lớn, thì chúng ta sẽ ấn tượng, giống như cách mà những bậc hiền triết xưa nay, càng gặp chuyện bất bình càng giữ được tâm tịnh.
3. ÂM THANH
Không phải là khái niệm mà bạn gặp trong kiến thức vật lí, mà đó là khái niệm về âm thanh của vô thanh. Im lặng thường được mô tả là sự vắng mặt của âm thanh, nhưng nó cũng là một âm thanh rất hùng hồn.
Cuốn sách Tĩnh Lặng định nghĩa 05 loại âm thanh trong cuộc sống: Diệu âm, Quán Thế âm, Phạm âm, Phúc âm, Thắng Bị Thế Gian âm. Những âm thanh đó mang những ý nghĩa khác nhau nhưng đều được mô tả bởi những hành động yên lặng. Thực tế, khi chúng ta yên lặng là lúc chúng ta đang nghĩ một điều gì đó, lúc đó ta đang lắng nghe âm thanh của chính mình. Và đó không phải là những khái niệm mới, là những điều chúng ta vẫn thường làm hàng ngày mà bản thân ta lại không để ý rằng đó là gì.
Khả năng lắng nghe âm thanh đó, cũng là một định hình tính cách của con người. Chúng ta sẽ tự hỏi Tại sao lại có những người hiểu câu chuyện của mình?
Và có câu trả lời cho ý nghĩ: Tại sao không ai lắng nghe mình? Nếu câu chuyện trên có hiện hữu ngoài đời thực, thì hai người mà ta đặt câu hỏi đều lắng nghe ta, nhưng nội tâm của ta lại để những âm thanh dội ngược lại đó định nghĩa rằng một người có lắng nghe, và một người không. Âm vô thanh của ta đã nhìn nhận vấn đề như vậy, nhưng từ tự tâm chúng ta cần phải tĩnh lặng.
Tĩnh Lặng còn được định nghĩa là một dạng thức của việc chúng ta nghe được âm thanh của căn tính. Được cấu tạo từ đất, nước, không khí, ánh sáng, lửa, và tự nhiên. Được sinh ra từ thế hệ đi trước. Do đó, lắng nghe âm thanh nội tâm, đồng nghĩa với lắng nghe những tiếng gọi của sự im lặng, sự dừng chân của tạo hóa. Chúng ta không nhất thiết phải ghì mình chạy theo những tiện nghi vật chất hoặc tiện nghi tình cảm, không cần phải đặt ra những câu hỏi làm thế nào để có đủ tiền, làm thế nào để có nhà cửa, hoặc những câu hỏi như liệu có người nào đó thực sự thương ta không…
Những quan tâm đó là những thứ thiết yếu nhưng một số chúng ta lại dành quá nhiều thời gian về nó, để lạc mất những âm thanh an nhiên, tự tâm.
Lời kết:
Chúng ta đang ngày càng được sống trong những tiện nghi của thời đại, và thừa hưởng những công nghệ kết nối đa chiều. Nhưng điều đó cũng có hai mặt của nó, chúng ta có thể dễ dàng quên đi những bản sắc mà thân tâm mình vốn có để nhường chỗ cho một không gian ồn ào. Từ đó mà chúng ta đánh mất bản ngã của mình, hoặc chỉ luôn quanh quẩn với ý nghĩ về một cuộc sống chồng chất những khó khăn, rắc rối, hoặc ta chọn cho mình một lối sống quá đỗi an nhàn, không tìm kiếm khả năng của bản thân.
Xét cho cùng, thì đó cũng chỉ là những sự lựa chọn riêng của mỗi một người, và mọi người sẽ cảm thông với điều đó. Tĩnh Lặng – cuốn sách đưa ra một chiều tư tưởng về nhìn nhận bản thân mỗi người rõ ràng, là TỪ TÂM. Đó cũng là chìa khóa cho các huyên náo mà đời sống gây ra. Những đọc giả, và riêng thế hệ millennials nên biết và nắm rõ những điều xuất phát từ bên trong con người, thay vì những xu hướng mang tính chất thời của thời đại.