12 duyên khởi trong phật giáo, vòng tuần hoàn nhân quả. Trong vòng thứ tư của bức tranh 6 cõi luân hồi, mỗi cảnh miêu tả một câu chuyện, biểu đạt một giáo lý quan trọng nhất của Phật giáo.
Lý luận 12 duyên khởi là một trong những lý luận hình thành sớm nhất trong lịch sử Phật giáo, cũng là lý luận mang tính cơ sở của Phật giáo. Quan hệ của 12 duyên khởi là Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thụ, Thụ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão tử.

12 duyên khởi trong phật giáo
1. Vô minh: Vô minh chính là ngu si, là nguồn gốc sinh ra mọi nỗi thống khổ, không hiểu biết Phật pháp, không thấy rõ chân tướng thế gian. Dùng hình tượng người mù chống gậy để đại biểu cho vô minh, đại biểu cho luân hồi không có chỗ bắt đầu, vì người mù không nhìn thấy chân tướng của sự vật, chống gậy là vì không có cơ sở chân thực, là vì mê muội, tối tăm nên đi sai đường.
2. Hành: Hành là nghiệp tạo ra ở đời trước dẫn đến quả báo ở đời sau, bao gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Sự vô tri và ngu muội ở đời quá khứ sẽ khiến cho hành vi của chúng ta trở thành nguyên nhân chủ yếu để đầu thai ở đời này. Dùng hình tượng người thợ gốm đang làm đồ gốm, các loại bình gốm đại biểu cho các loại nghiệp khác nhau.
3. Thức: Thức chính là tâm thức, Phật giáo cho rằng người có tám thức, tức Nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt na thức, A lại da thức. Nghiệp lực của quá khứ sẽ tồn tại trong thức thứ tám A lại da thức, theo chúng sinh hữu tình luân hồi trong 6 cõi. Dùng hình tượng con khỉ leo trèo để đại biểu cho tâm thức không chịu điều phục.
4. Danh sắc: Tâm thức của con người hoạt động sẽ duyên theo Danh sắc. Danh sắc là tổng xưng của Ngũ uẩn, Danh là thụ, tưởng, hành, thức (tâm thức và tâm thân); Sắc là sắc uẩn (thân thể). Dùng hình tượng một người phụ nữ xinh đẹp và tài giỏi để đại biểu cho danh và sắc.
5. Lục nhập: Ngũ uẩn hòa hợp, kết quả đạt được là Lục nhập. Lục nhập còn gọi là Nội lục nhập, cũng chính là Lục căn, tức nhãn căn (cơ quan thị giác và khả năng thị giác), nhĩ căn (cơ quan thính giác và khả năng thính giác), tỵ căn (cơ quan khứu giác và khả năng khứu giác), thiệt căn (cơ quan vị giác và khả năng vị giác), thân căn (cơ quan xúc giác và khả năng xúc giác), ý căn (cơ quan tư duy và khả năng tư duy). Đối ứng với Nội lục nhập là Ngoại lục nhập, còn gọi là Lục cảnh hoặc Lục trần, tức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chúng là 6 cảnh giới mà Lục căn có thể cảm giác được. Lục nhập là cơ quan cảm giác của con người, nhưng vẫn phải dựa vào Lục cảnh của ngoại cảnh mới có thể phát huy tác dụng. Dùng hình tượng căn nhà có nhiều ô cửa để đại biểu cho Lục căn.
6. Xúc: Năng lượng mà Lục căn của con người có đầy đủ là Lục thức, khi Lục căn thông qua Lục thức và Lục cảnh của ngoại giới để phát huy tác dụng, thì sẽ sinh ra các loại cảm giác, đây chính là một loại hiện tượng tinh thần, trong 12 duyên khởi được gọi là Xúc. Xúc là chỉ cơ quan cảm giác tiếp xúc với đối tượng, sau sự tiếp xúc này sẽ sinh ra sự phân biệt, khổ, vui, bỏ, lấy. Dùng hình tượng hai người đang yêu nhau để đại biểu cho Xúc.
7. Thụ: Sau khi tiếp xúc, mang lại là Thụ. Thụ chính là cảm thụ được sinh ra khi cơ quan cảm giác của con người tiếp xúc với ngoại cảnh. Dựa vào sự khác nhau của cảm giác chủ quan, Thụ có thể phân thành ba loại, tức khổ thụ, lạc thụ và bất khổ bất lạc thụ. Dùng hình tượng một người bị mũi tên đâm vào tay đại biểu cho khổ lạc.
8. Ái: Có vui có buồn, cảm giác này được sinh bởi sự chấp trước và thiên ái. Đây chính là quá trình hình thành từ Thụ đến Ái. Ái là ngọn nguồn của tham dục. Con người đều yêu thích một điều gì đó, như danh tiếng, địa vị, giàu có,… Đây đều là sự biểu hiện của Ái. Dùng hình tượng một người nghiện rượu để đại biểu cho Ái, vì vui sướng mà phân biệt, tham luyến chấp trước.
9. Thủ: Từ Thụ mà sinh ra Thủ, chúng sinh một khi sinh lòng yêu thích đối với một sự vật nào đó thì sẽ dùng mọi thủ đoạn để đạt được nó. Thủ là một loại nhiễm trước (vướng lấy chẳng lìa) mãnh liệt hơn Ái. Dùng hình tượng một người đang hái quả để đại biểu cho Thủ.
10. Hữu: Thủ kỳ thực chính là hình thức biểu hiện của tham dục, là nguyên nhân khiến chúng sinh không thể thoát khỏi luân hồi, cho nên Thủ chính là hạt giống tái nhập luân hồi, kết quả của nó là Hữu, tức là đầy đủ nghiệp nhân để tiến vào luân hồi sau. Dùng hình tượng hai người đang ân ái để đại biểu cho Hữu.
11. Sinh: Đã gieo một hạt giống tái nhập luân hồi, dưới một điều kiện thích hợp nó sẽ dẫn đến nghiệp báo Sinh. Phương thức sinh ra của chúng sinh hữu tình khác nhau, tựu trung lại có bốn loại, tức thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh. Dùng hình tượng một người phụ nữ đang sinh nở để đại biểu cho Sinh.
12. Lão tử: Tuổi thọ của chúng sinh trong 6 cõi có dài có ngắn, có những chúng sinh hữu tình ở cõi súc sinh có tuổi thọ rất ngắn, nhưng chúng sinh hữu tình ở cõi trời và cõi địa ngục có tuổi thọ rất dài, nhưng dù ở cõi nào, thì tuổi thọ của chúng sinh hữu tình đều có giới hạn, cho nên không thoát được khỏi vận mệnh Lão tử (già và chết), đây chính là một nỗi khổ lớn trong cuộc đời con người. Phàm có sinh ra, thì nhất định sẽ từ nhỏ đến lớn, từ lớn thành cường tráng, từ cường tráng thành già yếu, dần dần tiến về phía trước, cuối cùng hướng đến cái chết, đây là quy luật khách quan không thể chống lại được. Dùng hình tượng bia mộ để đại biểu cho Lão tử.
12 duyên khởi lấy Vô minh làm đầu, chứng tỏ Vô minh là nguồn gốc chung của luân hồi, cho nên khi tu hành phải dốc lòng tìm hiểu những Phật pháp căn bản, từ đó mà tiêu trừ vô minh, tức là tiêu trừ tận gốc luân hồi.