Những người có trí tuệ đều hiểu rằng thiền định tĩnh tâm đem lại lợi ích siêu việt. Những nhà đạo học xưa nay đều có phong cách thiền sư, trầm mặc, tĩnh lặng, sâu sắc, thông tuệ. Các võ sư thân thủ siêu phàm cũng đồng thời là thiền sư. Tột đỉnh của phong cách thiền định đó chính là Đức Phật, người đã nhờ thiền định mà đạt được sự giác ngộ cao siêu, mở ra một tôn giáo lớn cho nhân loại.
THIỀN: CON DAO HAI LƯỠI
Nhiều quốc gia bắt đầu thử nghiệm cho áp dụng thiền định vào trường học, bệnh viện, nhà giam, cơ quan, xí nghiệp, quân đội… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thiền định được hy vọng là tích cực đó đã có rất nhiều kết quả tiêu cực do thực hành thiền định. Một số người bị loạn trí, bệnh tật, tạng phủ suy yếu, thần kinh não giảm năng lực… Nhiều báo cáo về kết quả xấu của thiền định khiến cho những người có trách nhiệm e ngại, không dám cho áp dụng rộng rãi như đã cho tập thể dục đơn giản.

Sở dĩ thiền định là khó vì nó liên quan đến rất nhiều yếu tố khác, mức độ thông minh, khả năng nhận thức, đạo đức, sinh lý cơ thể, tâm lý cá nhân, quá trình sống tử tế in dấu trong não, hơi thở, cách thở, đời sống sinh hoạt hàng ngày, hoàn cảnh sống, môi trường ngồi thiền, và đặc biệt là cấu trúc khí lực vô hình của cơ thể. Nếu người tập thiền mà không hiểu kỹ lưỡng những yếu tố này thì có nguy cơ bị kết quả xấu về sau.
Thiền định là một môn học lớn của nhân loại chứ không phải là chuyện đùa. Thiền định cũng không phải là một môn thể dục thần kinh đơn giản mà ai muốn dạy cũng được, ai muốn tập cũng được. Thiền định, mặc dù được cho là xuất phát từ Đạo Phật, nhưng phải được xem là tài sản của toàn nhân loại, và phải được nghiên cứu tường tận để trở thành một môn khoa học thực nghiệm muôn đời về sau.
Khắp thế giới nhiều nơi có thiện chí truyền dạy phổ biến thiền định, rất đáng trân trọng. Các chùa của Phật giáo dạy thiền đã đành, mà các cơ sở không phải Phật giáo cũng dạy thiền. Tuy nhiên, không phải nơi nào dạy cũng đúng. Thậm chí mỗi nơi dạy mỗi khác. Nếu thiền định là một môn khoa học thì không thể có hai con đường khác nhau, cũng như toán học chỉ có một con đường mà thôi. Ngay cả trong đạo Phật cũng có nhiều phương pháp tập thiền khác nhau, gọi là tông phái, pháp môn, khác nhau. Đây là điều phi lý. Ta không thể vin vào câu tám vạn bốn nghìn pháp môn để tùy tiện dạy, tùy tiện tu. Chân lý phải là duy nhất, dù rất bao dung.
Thiền có nhiều giai đoạn, nhiều kết quả lần lượt nối tiếp nhau, nhưng không phải ai cũng đủ cơ hội để đi hết con đường cao siêu xa vời của thiền định. Ta đặt lòng tin với Phật rằng Phật là người đã đi đến tận cùng kết quả của thiền định với kết quả Tam Minh Lục Thông, với các bài thuyết pháp cực kỳ thuyết phục, với đời sống tột cùng thánh thiện. Tuy nhiên, sau Phật, nhiều người đã dừng lại giữa đường, và ở lại đó để xây nhà dựng lớp truyền dạy phổ biến thiền định cho nhiều người. Ta cũng hiểu cái thiền mà họ dạy chỉ là thiền giữa đường, dù cũng có vẻ cao siêu hơn người không biết gì về thiền định.
Ta bắt đầu tập thiền với thân phận phàm phu tầm thường CHẤP NGÃ. Nếu có duyên phúc may mắn, ta tiến được vài bước, có một số kết quả đặc biệt, và lập tức ta rơi vào SIÊU NGÃ. Hầu hết các vị có kết quả giữa đường đều dừng lại ở đây để dạy về Thiền Siêu Ngã. Chỉ có ai đủ lòng tôn kính Phật, đủ lòng trung thành với Phật, mới tin rằng họ cần phải đi tiếp để đạt đến cuối đường VÔ NGÃ.
Ta cũng nói về những người không đủ duyên phúc, tập sai phương pháp, khí lực dồn lên phá hư não, rồi bị rối loạn tâm thần kinh. Ta cũng nói về những người không đủ đạo đức khiêm hạ từ bi, vội vã khoe khoang kiêu mạn, chẳng bao lâu não bộ cũng mất thăng bằng trở nên bệnh tật. Ta cũng nói về những người không đủ quá trình sống tử tế in dấu trong não nên não bộ không mở ra cho sức tỉnh giác xuất hiện, dù tu tập rất lâu cũng không có nhiều tiến bộ.
Không phải vừa biết cách bắt chân ngồi kiết già, không phải vừa biết cách theo dõi hơi thở, không phải vừa biết vài lý luận về thiền là đã đủ để theo đuổi thiền định. Thiền là cả một thế giới mênh mông kỳ vĩ, vừa phức tạp, vừa khắt khe, vừa bình an, vừa nguy hiểm, vừa cao siêu, vừa giản dị. Đừng vội dạy thiền, đừng vội tập thiền, nếu ta chưa hiểu rõ con đường thiên lý xa xôi này. Nhưng cũng đừng do dự ngần ngại một khi đã tìm được con đường, đã tìm đúng minh sư, hãy bỏ hết vốn liếng cuộc đời vào hành trình thiêng liêng này để có cơ hội vượt khỏi thân phận phàm phu tầm thường đau khổ.
Sưu Tầm