Duyên nợ vợ chồng và con cái không phải tự nhiên mà có, đấy đều là do nghiệp đời trước chiêu cảm mà thành. Để sống chung trong một gia đình, phải là duyên rất sâu từ nhiều đời nhiều kiếp. Và những nhân duyên gấy gần như là định nghiệp, cực khó để có thể can thiệp. Người thế gian chẳng biết rằng: Vợ chồng và con cái do bốn nhân duyên mà đến, bốn nhân duyên ấy là:
- Báo ân.
- Báo oán.
- Trả nợ.
- Đòi nợ.
Nếu do báo ân hoặc trả nợ mà hội tụ thì thủy chung hạnh phúc, cháu con hiếu thuận, trong ấm ngoài êm. Nếu do báo oán hoặc đòi nợ mà đến thì gia đình hiếm có lúc được yên; không chuyện phiền phức này xảy ra, thì cũng có chuyện điên đảo khác sẽ đến.

Phải có duyên sâu nhiều đời nhiều kiếp và chung một cộng nghiệp mới tụ được trong một gia đình. Nếu đúng là người nên duyên với bạn, thì dù bạn có lên trời hay chui xuống đất, cũng không cách chi mà thoát được. Còn như chẳng phải là người ấy, bạn có muốn tiến tới hôn nhân, cũng không cách chi tác thành, kiểu gì cũng hỏng chuyện.
Cho nên ta thường thấy thế gian nhiều những chuyện oái ăm, kiểu như: Chồng cao to, đẹp trai, mà vợ vừa lùn vừa xấu; Vợ xinh xắn, giỏi gang, con nhà gia giáo, nhưng lại lấy phải anh chồng vừa đen vừa xấu, lại hay ghen tuông. Con cái cũng na ná như vậy không khác. Nhân quả vô cùng vô tận và bị chi phối bởi nhân duyên, nên ngoài tuệ giác của đức Phật ra, không ai có thể giải thích tường tận cho được.
Nó do nghiệp duyên dẫn dắt quyết định, không phải việc bạn có thể lựa chọn hay người khác có thể can thiệp mà được. Bởi can thiệp được vào nghiệp duyên là điều vô cùng khó, và thường việc ấy chỉ giúp người ta chuốc lấy phiền não vào thân.
*
Tổ Ấn Quang bảo: “Chuyện trong thiên hạ đều có nhân duyên. Sự được thành hay chăng đều do nhân duyên xui khiến. Dù có người làm cho việc thành hay hoại, nhưng quyền lực thật sự là do nhân trước của ta, chứ chẳng do duyên hiện tại. Hiểu điều này sẽ vui biết mạng trời, chẳng oán, chẳng trách, làm đúng theo địa vị, bổn phận nên dẫu sống trong nghịch cảnh, tâm vẫn an nhiên.”
Vợ chồng con cái có bốn nhân: Một là báo ân, hai là báo oán, ba là trả nợ, bốn là đòi nợ.
Báo ân nghĩa là trong đời trước vợ chồng con cái có ân sâu với nhau. Nay hội tụ trong một gia đình để báo đáp lẫn nhau. Do đó mà gia đình yên ấm hạnh phúc, cháu con hiếu thảo. Dù giầu hay nghèo, vẫn vợ chồng thủy chung, con hiếu, cháu thuận.
*
Báo oán là đời trước vợ chồng con cái từng gây hại lẫn nhau. Nay hội tụ trong một gia đình để não hại nhau. Như vợ chồng thì hoặc cãi cọ chì chiết, đánh mắng nhau; hoặc bồ bịch ngoại tình, dày vò nhau cho hết kiếp. Như Cha mẹ từng phụ ân con, nên nó sanh vào làm con để báo oán. Lúc nhỏ ngỗ nghịch khiến cha mẹ buồn lòng, lớn lên gây họa khiến cha mẹ mắc vạ lây.
Trả nợ và đòi nợ là đời trước mắc nợ danh lợi, tiền tài, tình ái. Nay để đền trả bèn hội tụ cùng nhau, nợ gì trả nấy. Nếu nợ nhiều sẽ suốt đời yêu thương cung phụng một cách vô điều kiện. Nếu nợ ít thì trả xong là thôi. Như vợ chồng giữ đường đứt gánh hoặc con cái giữa chừng chết trước cha mẹ…”
Duyên nợ Vợ chồng: Đảo lộn kẻ oán người thân
Theo Kinh Pháp Cú Thí Dụ: “Vào thời đức Phật còn tại thế, trong thành Xá-vệ có một người Bà-la-môn giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Mỗi khi trong nhà ăn uống thì đóng chặt cửa lại vì sợ có khách đến. Ngày nọ, nhà ấy giết thịt một con gà làm cỗ. Hai vợ chồng cùng ngồi ăn với một đứa con nhỏ ngồi giữa. Thỉnh thoảng họ lại bốc một miếng thịt gà đút vào miệng cho con.
Đức Phật biết rõ người bà-la-môn này ngày trước có tu tập; phước duyên nay đã thuần thục có thể cứu độ, nên ngài liền hóa thành một vị sa-môn, hốt nhiên hiện ra ngay trước mặt người ấy. Người bà-la-môn vừa nhìn thấy thì nổi giận, quát rằng: “Người tu hành sao không biết xấu hổ, tự nhiên xông vào nhà ta?”
Vị sa-môn kia liền đáp: “Chính ông mới là người ngu si. Giết cha ăn thịt, cưới mẹ làm vợ, nuôi dưỡng kẻ oán thù. Thế mà lại dám bảo ta là người tu hành không biết xấu hổ!”
Người Bà-la-môn kinh ngạc hỏi lại: “Ông nói thế là ý nghĩa gì?”
Vị sa-môn đáp: “Con gà trên bàn kia vốn là cha của ông trong đời trước; vì tham lam keo kiệt nên thường sinh trong loài gà. Còn đứa con ông đó, trước đây là quỷ la-sát, những đời trước thường hay làm hại ông. Nay nghiệp cũ của ông chưa dứt hết, nên nó lại sinh vào nhà ông để tiếp tục làm hại. Người vợ hiện nay của ông chính là mẹ ông trong đời trước. Bởi sự ái luyến sâu nặng nên quay lại tái sinh làm vợ ông. Những sự luân chuyển xoay vần như thế, người ngu si không biết, chỉ có bậc tu hành giác ngộ mới thấy rõ tất cả.”
Ngay lúc đó, đức Phật thị hiện thần thông, khiến cho người bà-la-môn kia tự thấy rõ các đời trước. Bà-la-môn liền phát tâm sám hối tội nghiệp, xin được thọ giới. Đức Phật lại thuyết pháp cho nghe, ông liền chứng quả Tu-đà-hoàn.
Nghiệp quả của Cha mẹ, con cái
Theo An Sĩ Toàn Thư: “Thượng Lâm làm quan huyện lệnh Vu Sơn, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Một hôm viên huyện úy tên Lý Chú bị bệnh mà chết. Thượng Lâm giúp tiền bạc đưa người mẹ của Lý Chú; nhờ đó mà đưa thi hài của ông về quê ở Hà Đông. Sau đó lại tìm một nhà danh giá mà đứng ra gả con gái của Lý Chú về làm dâu.
Một đêm nọ, Thượng Lâm nằm mộng, bỗng thấy Lý Chú hệt như lúc còn sống, bái lạy ông mà khóc rồi nói rằng: “Số mệnh ông vốn không có con. Tôi đội ơn ông giúp đỡ nên đã hết sức thỉnh cầu Ngọc Đế. Ngài cho tôi được làm con nối dõi nhà ông.”
Trong tháng ấy, quả nhiên vợ Thượng Lâm có thai. Sang năm sau, Thượng Lâm từ quan về quê. Một hôm lại mộng thấy Lý Chú nói: “Ngày mai tôi sẽ ra đời.” Quả nhiên hôm sau vợ Thượng Lâm sinh một bé trai. Nhân đó liền đặt tên là Thượng Dĩnh.
*
Dĩnh lớn lên hiếu thảo, hiền hậu trung thực; sau làm quan đến chức Tự thừa. Như thế gọi là làm con để trả nợ cho cha. Đời trước của Lý Chú ắt hẳn cũng đã tu tích phước đức, nên đời này tuy sinh ra để báo ân cho người, nhưng bản thân cũng được hưởng phú quý. Cho dù nói thế, nhưng trong biển nghiệp thức mênh mang mờ mịt, muốn tự nhìn lại mình e cũng không có dịp.
Duyên nợ Vợ chồng và con cái: Ba lần thác sinh
Tỉnh An Huy, huyện Đồng Thành có nhà nho tên Diêu Đông Lãng, sinh được một đứa con trai. Thằng bé lên mười tuổi thì bệnh nặng, sắp chết. Cha mẹ đau buồn thương tiếc, nói với con rằng: “Con quả thật không có duyên làm con chúng ta nữa sao?”
Đứa trẻ bỗng nói giọng người phương bắc, bảo Diêu Đông Lãng rằng: “Trước đây tôi là một vị tăng ở Sơn Đông, mang tên ấy họ ấy… Tôi dành dụm tích cóp được 30 lượng bạc. Trong chùa có vị sư huynh rình biết được, nên xô tôi xuống nước để đoạt lấy tiền.
Khi ấy tôi kêu cứu với Bồ Tát Quán Âm, liền thấy ngài hiện ra bảo rằng: ‘Số mạng ngươi đã hết nên mới gặp việc xấu ác này.’ Thế là tôi chết chìm. Người dân ở đó báo sự việc lên quan, lúc bấy giờ chính ông đang làm quan huyện ở đó. Sư huynh tôi liền lấy ba mươi lượng bạc của tôi mà dâng cho ông; nhân đó sự việc liền bị ém nhẹm.
Tôi vì nỗi oan chưa rửa sạch nên thác sinh làm em trai ông, tức là Diêu Tung Thiệu đã chết. Khi ấy tôi theo ông suốt hơn 20 năm mà chưa đòi được nợ cũ. Cho nên lúc chết rồi lại thác sinh làm con ông. Mười năm qua, ông tốn kém với tôi cũng đã hoàn trả gần đủ số bạc 30 lượng rồi, tôi phải đi thôi. Hiện trong nhà ông có một cây gậy mà tôi rất thích, xin ông đốt tặng tôi, cũng là thêm vào vừa đủ số tiền ngày xưa.
*
Vị sư huynh ngày trước của tôi nay cũng vì muốn đòi số tiền đó mà thác sinh làm con gái đầu của ông; nay đã gả cho nhà họ Phan ở Lật Dương, hiện có thai sắp sinh nở. Bây giờ sau khi chết, tôi sẽ thác sinh vào nhà đó để đòi món nợ sinh mạng.” Đứa trẻ nói xong những lời này thì chết.
( Duyên nợ vợ chồng và con cái – Theo An Sĩ Toàn Thư )